Chống lại Vương Diên Hy Vương_Diên_Chính

Năm 939, Vương Diên Hy trở thành quân chủ của Mân (và đổi tên thành Vương Hy) sau khi Vương Sưởng bị lật đổ và sát hại. Sau khi trở thành quốc vương, Vương Hy kiêu dâm hà ngược, nghi ngờ ghen ghét tông tộc, khiến nhiều người oán giận. Vương Diên Chính nhiều lần dâng thư khuyến gián, tuy nhiên Vương Hy tức giận và viết thư lại mắng chửi Vương Diên Chính. Vương Hy khiển thân lại là Nghiệp Kiều (鄴翹) đến làm giám quân tại Kiến châu của Vương Diên Chính, và khiển Giáo luyện sứ Đỗ Hán Sùng (杜漢崇) đến làm giám quân ở Nam trấn[c 2] lân cận. Nghiệp Kiều và Đỗ Hán Sùng báo lên Vương Hy các cáo buộc của họ rằng Vương Diên Chính làm việc mờ ám, hai huynh đệ tích thêm nghi ngờ thù ghét. Một ngày, Nghiệp Kiều và Vương Diên Chính nghị sự, hai bên có bất đồng, Nghiệp Kiều quát mắng Vương Diên Chính: "Công phản hả?", Vương Diên Chính tức giận và muốn trảm Nghiệp Kiều. Nghiệp Kiều chạy đến Nam trấn, Vương Diên Chính phát binh tiến công Nam trấn, đánh bại binh đồn trú tại đây. Nghiệp Kiều và Đỗ Hán Sùng chạy về thủ đô Phúc châu[c 3], quân biên thùy phía tây đều tan vỡ.[7]

Tháng 2 ÂL năm Canh Tý (940), Vương Hy khiển thống quân sứ Phan Sư Quỳ (潘師逵) và Ngô Hành Chân (吳行真) đem bốn vạn binh đánh Vương Diên Chính. Quân của Phan Sư Quỳ đánh phía tây thành Kiến châu, quân của Ngô Hành Chân đánh phía nam thành Kiến châu, vượt sông lập doanh trại. Vương Diên Chính cầu cứu Quốc vương Tiền Nguyên Quán của Ngô Việt, đến ngày Nhâm Tuất (26) cùng tháng (6 tháng 4), Tiền Nguyên Quán khiển Ninh Quốc tiết độ sứ-Đồng bình chương sự Ngưỡng Nhân Thuyên (仰仁詮) và Nội đô giám sứ Tiết Vạn Trung (薛萬忠) đem bốn vạn quân cứu Vương Diên Chính. Ngày Mậu Thìn (2) tháng 3 (12 tháng 4), Phan Sư Quỳ phân binh ba nghìn lính, khiển Đô quân sứ Thái Hoằng Duệ (蔡弘裔) đem quân xuất chiến; Vương Diên Chính khiển tướng Lâm Hán Triệt (林漢徹) và những người khác đánh bại quân triều đình ở Trà Sơn, giết hơn nghìn lính. Ngày Đinh Sửu (11) cùng tháng (21 tháng 4), Vương Diên Chính mộ hơn một nghìn cảm tử sĩ, ban đêm bí mật vượt sông tiến vào trong lũy doanh trại của Phan Sư Quỳ, mượn gió phóng hỏa, trên thành đánh trống huyên náo tiếp ứng, Phan Sư Quỳ bị giết, quân Phúc châu tan vỡ. Ngày Mậu Dần hôm sau, Vương Diên Chính dẫn quân định đánh Ngô Hành Chân, tuy nhiên khi quân Kiến châu còn chưa vượt sông, Ngô Hành Chân cùng tướng sĩ đã bỏ doanh trại mà chạy, chết cả vạn người. Vương Diên Chính thừa thắng đoạt lấy hai thành Vĩnh Bình, Thuận Xương[c 4].[7]

Sang tháng sau, Ngưỡng Nhân Thuyên đem quân đến Kiến châu, Vương Diên Chính dâng bò và rượu đến khao nhằm thỉnh quân Ngô Việt trở về, tuy nhiên Ngưỡng Nhân Thuyên không chấp thuận, lập doanh trại ở phía tây bắc của thành. Vương Diên Chính sợ hãi, lại khiển sứ xin Vương Hy xuất binh cứu. Vương Hy bổ nhiệm cháu là Tuyền châu thứ sử Vương Kế Nghiệp (王繼業) làm hành doanh đô thống, đem hai vạn quân đi cứu Vương Diên Chính, Vương Hy cũng viết thư trách Ngô Việt và khiển khinh binh cắt đứt đường vận lương của Ngô Việt. Đến khi quân Ngô Việt hết lương thực, tháng 5 ÂL, Vương Diên Chính khiển binh xuất kích, kết quả đại phá quân Ngô Việt, giết đến cả vạn lính. Đến ngày Quý Mùi (18) cùng tháng (26 tháng 6), Ngưỡng Nhân Thuyên triệt thoái.[7]

Sau đó, Hoàng đế Lý Cảnh của Nam Đường khiển Khách tỉnh sứ Thượng Toàn Cung (尚全恭) đến Mân, hòa giải giữa Vương Hy và Vương Diên Chính. Tháng 6 ÂL, Vương Diên Chính khiển nha tướng và nữ nô mang thệ thư và hương lô đến Phúc châu, cùng Vương Hy thề ước ở Tuyên lăng (lăng mộ của cha Vương Thẩm Tri). Tuy vậy, sự nghi ngờ oán giận dữa hai người vẫn như cũ.[7]

Tháng giêng năm Tân Sửu (941), Vương Diên Chính cho đắp thành Kiến châu, chu vi 20 lý, ông cũng thỉnh Vương Hi thăng Kiến châu làm Uy Vũ quân[c 5], và cho ông làm tiết độ sứ. Vương Hy lấy lý do Uy Vũ quân đặt tại Phúc châu, do vậy thăng Kiến châu làm Trấn An quân (鎮安), cho Vương Diên Chính làm tiết độ sứ, phong cho tước Phú Sa vương. Tuy nhiên, Vương Diên Chính tại đổi tên Trấn An thành Trấn Vũ (鎮武). Tháng 4 ÂL, Vương Hy nghi ngờ đệ là Đinh châu[c 6] thứ sử Vương Diên Hỷ (王延喜) thông mưu với Vương Diên Chính, khiển tướng quân Hứa Nhân Khâm (許仁欽) đem ba nghìn quân đến Đinh châu để bắt Diên Hỷ đem về Phúc châu. Sau đó, do biết Vương Diên Chính gửi thư chiêu dụ Tuyền châu[c 7] thứ sử Vương Kế Nghiệp, Vương Hy triệu Vương Kế Nghiệp về Phúc châu và ban chết, giết những con trai của Kế Nghiệp tại Tuyền châu.[7]

Tháng 7 ÂL, Vương Hy tự xưng là Đại Mân hoàng, tiếp tục giao chiến với Vương Diên Chính, song cả hai bên đều có những trận thắng, vùng đất giữa Phúc châu và Kiến châu được mô tả là có rất nhiều xương người. Trấn Vũ tiết độ phán quan Phan Thừa Hựu (潘承祐) nhiều lần đề nghị ngưng binh hòa hảo, song Vương Diên Chính không nghe theo. Khi sứ giả của Vương Hy đến, Vương Diên Chính cho binh ra thị uy, nói những lời gay gắt mạo phạm với sứ giả. Tháng 10 ÂL, Vương Hy tức hoàng đế vị, Vương Diên Chính tự xưng là 'binh mã nguyên soái'.[7]

Tháng 6 ÂL năm Nhâm Dần (942), Vương Diên Chính bao vây Đinh châu, Vương Hy phát 5 nghìn binh từ Tuyền châu và Chương châu[c 8] đến cứu Đinh châu, đồng thời khiển các tướng Lâm Thủ Lượng (林守亮), Hoàng Kính Trung (黃敬忠), và Hoàng Thiệu Pha (黃少頗) tiến công Kiến châu nhân lúc Vương Diên Chính vắng mặt. Tháng 7 ÂL, Vương Diên Chính rút lui sau khi đánh 42 trận mà vẫn không chiếm được Đinh châu, các tướng của ông là Bao Hồng Thật (包弘實) và Trần Vọng (陳望) giao chiến và giết Hoàng Kính Trung. Lâm Thủ Lượng và Hoàng Kính Trung chạy về Phúc châu. Sang tháng 8 ÂL, Vương Hy khiển sứ đem chiếu, chín trăm kim khí, vạn xâu tiền, 640 tướng lại sắc cáo, cầu hòa với Vương Diên Chính, Vương Diên Chính không nhận.[8]